Lão hóa là một quá trình sinh lý và sinh học. Sự lão hóa làm cho cơ thể suy yếu dần, tạo điều kiện cho bệnh tật phát sinh. Đặc điểm của sự lão hóa là diễn biến “không đồng thời, không cùng tốc độ và không đồng bộ”. Vì vậy quá trình lão hóa sẽ ảnh hưởng đến từng cơ quan. Bài viết dưới đây chúng tôi chỉ đề cập đến lão hóa hệ thần kinh. Lão hóa khiến suy giảm chức năng thần kinh như thế nào? Rất mong quý vị quan tâm.
Quá trình lão hóa diễn ra không đồng thời với mọi cơ quan. Vì thế biểu hiện của sự lão hóa cũng khác nhau ở mọi người. Tuy nhiên khi các cơ quan bị lão hóa sẽ có những biểu hiện như sau:
Thị giác (mắt) ở người cao tuổi thường bị giảm vì đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng hoặc bệnh glocom. Thông thường, thị lực của người cao tuổi bị giảm với tỷ lệ 10-12%. Trong đó, 6% người dưới 65 tuổi bị thoái hóa điểm vàng và trên 80 tuổi tỷ lệ này là 46%. Ngoài ra, thị lực còn có thể bị suy giảm vì động tác liếc dọc và liếc ngang bị hạn chế.
Sơ đồ mô tả sự thoái hóa thần kinh.
Khứu giác (mũi): Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở người trên 80 tuổi, 75% thấy giảm khứu giác sinh lý không phải do tổn thương các nhánh thần kinh chi phối vùng niêm mạc mũi. Đối với các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer hoặc bệnh Parkinson có thể thoái hóa tiến triển ở các tế bào hành khứu.
Thính lực (tai): Sau 65 tuổi, ở nhiều cộng đồng cứ 4 người có 1 người nghe kém.
Vị giác (lưỡi): Nhìn chung khả năng phân biệt các vị cũng thường giảm đi khi tuổi đời ngày một tăng cao. Nhưng trên thực tế còn thấy rối loạn vị giác là biến chứng của suy thận, hoặc do thiếu vitamin (acid folic, vitamin B12) hoặc có thể do tác dụng thứ phát của một vài loại thuốc (ví dụ thuốc điều trị tăng huyết áp nifedipin…).
Hệ thực vật: Có khoảng 5-35% trường hợp có thể bị rối loạn tiểu tiện với các biểu hiện như tiểu khó, tiểu dắt, tiểu không hết bãi, tiểu tiện không tự chủ…
Về giấc ngủ: Trên thực tế có nhiều người cao tuổi thường phàn nàn là khó ngủ và ngủ ít, hay tỉnh dậy khá sớm và giấc ngủ ban đêm hay bị gián đoạn với nhiều lần tỉnh giấc ngắn, có hoặc không kèm theo cảm giác muốn đi tiểu. Đối với người cao tuổi, có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ như: thời tiết thay đổi, yếu tố tâm lý, bị mắc các bệnh tâm thần, mắc một số bệnh nội khoa, do bệnh mạn tính như viêm khớp, gout, viêm loét dạ dày… do dùng thuốc chữa bệnh..
Xem thêm:
Ảnh hưởng của bệnh thiếu ngủ đối với con người
Làm thế nào để sở hữu một chiếc bồn ngâm chân thật tốt
Về chức năng trí tuệ: Ở người cao tuổi, tuy hiếm gặp người có trí nhớ vượt qua trí nhớ của người trẻ tuổi hơn nhưng cũng có tới 5% trong quần thể người già có trí nhớ đặc biệt tốt. Các chức năng trí tuệ có thể bị rối loạn, nhất là trí nhớ, với nhiều biểu hiện khác nhau: hay quên các sự việc mới diễn ra trong ngày, trong mấy ngày gần đây; hay kể lại nhiều lần một câu chuyện… Điều đáng chú ý là ở người cao tuổi, trí nhớ nói riêng, trí tuệ nói chung có liên quan mật thiết đến trình độ học vấn và điều kiện hoạt động gắn với tư duy của từng cá nhân. Theo đó, người học vấn cao sẽ ít bị suy giảm trí nhớ hơn người ít học.
Làm gì để cải thiện tình trạng lão hóa thần kinh?
Trên thực tế, có khoảng 75% số người cao tuổi có ít nhất một bệnh mãn tính. Đối với nhóm người trên 80 tuổi có thể mắc đồng thời nhiều bệnh. Vì vậy, việc chăm sóc để cải thiện lão hóa hệ thần kinh cho người cao tuổi không thể chỉ chú trọng riêng tới não mà còn phải quan tâm tới toàn bộ cơ thể. Cần lưu ý là: không thể áp dụng một công thức nhất định cho mọi người cao tuổi.
Nguyên tắc chung là phải giải quyết các yếu tố nguy cơ đối với bệnh lý mạch máu não và chữa trị các bệnh nội khoa đã được chẩn đoán. Chú ý tới chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động, học tập, giải trí một cách hợp lý. Phải kết hợp tập luyện với nghỉ ngơi, thư giãn. Đảm bảo giấc ngủ đều đặn 7-8 giờ mỗi ngày đêm. Cần sử dụng thuốc điều trị bệnh an toàn hợp lý. Nên kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị bệnh ở người cao tuổi. Tạo một môi trường gia đình ấm cúng, hòa hợp, yên vui để giúp người cao tuổi sống vui sống khỏe…
Chúc các bạn luôn vui khỏe!