Cách điều trị bệnh nấm kẽ chân như thế nào? Là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Hãy cùng chúng tôi khám phá nhé
Cách điều trị bệnh nấm kẽ chân như thế nào?
Thưa bác sĩ! Tôi năm nay 33 tuổi, do công việc bắt buộc thường xuyên phải mang ủng nên trong các kẽ ngón chân xuất hiện mẩn đỏ, có khi còn chảy nước, ngứa ngáy rất khó chịu. theo tìm hiểu và hỏi han thì biết bị nấm kẽ chân. Xin bác sĩ cho tôi được biết nguyên nhân gây bệnh và cách chữa trị căn bệnh khó chịu này?
Minh Vương (Nam Định)
Trả lời:
Thưa bạn Vương! Nấm kẽ chân là bệnh nhiễm nấm ở vùng bàn chân và các kẽ ngón chân. Đây là hiện tượng nhiễm nấm ngoài da hay gặp nhất. Nguyên nhân chủ yếu gây nấm kẽ chân là các chủng nấm Trichophyton rubrum, Trichophyton mentagrophytes và Epidermophyton floccosumi. Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn là các loại nấm Trichophyton tonsurans (ở trẻ em), Scytalidium dimidiatum, Scytalidium hyalinum và các chủng Candida. Các loại nấm này xâm nhập vào lớp sừng trên bề mặt da bằng cách tiết ra các men keratinase có khả năng tiêu chất sừng. Không những vậy, chúng còn có chứa các chất có khả năng ức chế đáp ứng miễn dịch của cơ thể và giảm sự sinh sản của các tế bào sừng, gây tình trạng nhiễm khuẩn mãn tính. Da bàn chân không có tuyến bã cũng là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm nấm ở bàn chân. Da bàn chân bị trầy xước, tăng tiết mồ hôi chân, thường xuyên đeo giày kín trong môi trường nóng ẩm hoặc chân bị ngâm nước kéo dài cũng là những yếu tố thuận lợi cho sự xâm nhập của nấm.
Bệnh này phải được chữa trị với các thuốc chống nấm tại chỗ hoặc toàn thân, hoặc phối hợp cả hai loại. Các thuốc chống nấm tại chỗ có thể được dùng trong 1 – 6 tuần. Những bệnh nhân với tổn thương dày sừng mạn tính ở gan bàn chân nên được dùng thuốc chống nấm tại chỗ ở cả mặt dưới và mặt bên của bàn chân. Ngoài ra, cần phối hợp thêm các thuốc có tác dụng bạt sừng như salicylic acid. Trong quá trình điều trị nấm bàn chân, khi bệnh mới thuyên giảm, nếu bạn đột ngột ngừng sử dụng thuốc có thể làm bệnh tái phát và phát triển nặng trở lại. Vì vậy, để biết rõ mình có mắc bệnh không, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và được kê đơn một số lượng thuốc đủ để có thể dùng đủ lộ trình điều trị.
Song song với việc sử dụng thuốc, bạn cũng cần chú ý tránh tạo ra các điều kiện thuận lợi cho nấm sinh sôi và phát triển phải thường xuyên thay giặt tất, vệ sinh ủng sạch sẽ, giữ cho ủng khô ráo.
Chúc bạn nhanh chóng khỏi bệnh!
Có thể bạn quan tâm:
Cách đeo giày cao gót mà không lo bị bệnh
Sử dụng bồn mát xa chân thế nào cho hiệu quả